Corolla Altis hay Civic là những mẫu xe làm chủ phân khúc sedan cỡ C ở “thuở hồng hoang”, nhưng giờ đây nhường chỗ cho Kia K3.
Năm 1996, Toyota ra mắt Corolla Altis ở phân khúc sedan cỡ C, và cũng là mẫu xe đầu tiên của Toyota tại thị trường xe Việt. Đây cũng là quãng thời gian hàng loạt hãng xe bắt đầu vào Việt Nam, mở ra ngành công nghiệp ôtô, chính thức đánh dấu cho một thị trường sơ khai. Thời ấy, khái niệm ôtô còn bó hẹp ở những chiếc sedan mà Altis là một biểu tượng, được sử dụng từ cả cơ quan nhà nước tới người dân.
Tiếp sau đó là sự xuất hiện của Ford Laser vào năm 1999 – cũng là mẫu xe đầu tiên của Ford tại Việt Nam, với hai tùy chọn động cơ 1.6 và 1.8. Tuy nhiên, Laser là mẫu xe có vòng đời khá ngắn khi dừng bán vào giữa năm 2005, nhường chỗ cho tân binh Focus – thực chất có thể coi là một chiếc Laser lột xác. Focus hướng tới nhóm khách hàng trẻ yêu thích cảm giác lái thể thao, đầm chắc. Laser cũng là mẫu xe đầu tiên trong phân khúc bị dừng bán tại Việt Nam.
Sau khoảng 5 năm là sự xuất hiện đồng thời của cả Daewoo Lacetti và Mazda3 vào 2004, khiến phân khúc này trở nên sôi động hơn. Khi ấy, đa số các mẫu sedan cỡ C đều đã định hình cho mình một phong cách tiếp cận khách hàng cụ thể, như Corolla Altis lịch lãm và chững chạc, Lacetti điềm đạm, cục mịch hơn. Trong khi đó Mazda3 lại có tạo hình trẻ trung năng động.
Tiếp sau đó 2005-2006, lần lượt có sự xuất hiện của Focus và Civic với phong cách trẻ trung, thể thao. Civic thiên về cảm giác lái, nội thất thiết kế tương lai với đồng hồ số đầu tiên trong phân khúc và là của hiếm trong thị trường lúc đó. Focus có cảm giác tốt nhưng thiên về sự đầm chắc, Focus cũng là mẫu xe đầu tiên trong phân khúc có biến thể hatchback.
2007 là năm đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của xe Hàn Quốc, chiếc Hyundai Elantra. Đến 2009 Kia Forte chào sân. Cả Elantra và Forte khi ấy đều nhập khẩu rồi lắp ráp. Forte có phần nổi trội hơn về trang bị và kiểu dáng được ưa chuộng, được coi là bền dáng cho tới ngày nay. Năm 2010, Chevrolet Cruze chào khách Việt, thực tế là phiên bản thay tên của Daewoo Lacetti, sau một thời gian GM mua lại Daewoo.
Tồn tại song song Elantra còn có mẫu xe khác là Avante, được nhập khẩu tư nhân cùng năm. Đến 2011, Hyundai Thành Công chính thức lắp ráp mẫu xe này. Cặp song sinh Elantra và Avante khi ấy được Thành Công đặt ở hai phân khúc khác nhau, dù thực tế là hai cái tên của cùng một xe. Elantra nhập khẩu, nằm ở phân khúc C theo đúng kích thước. Avante lắp ráp, được định giá chỉ ngang cỡ B. Sau này, Elantra là mẫu xe duy nhất ở phân khúc C được Hyundai phân phối tại Việt Nam.
Trong khi đó Forte đã có 4 lần đổi tên, 2009-2013 là Forte, những chiếc nhập khẩu sẽ có cả tên Cerato, 2013-2015 tên gọi K3, 2016-2020 tên gọi Cerato và đến 2021 lại quay về K3. Kể từ khi xuất hiện, mẫu xe này có 5 lần thay đổi kiểu dáng. Hiện tại, K3 đang là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc.
Sau năm 2010, thị trường không xuất hiện mẫu xe sedan cỡ C nào mới. Đến năm 2018 chứng kiến sự ra đi của hai cái tên là Cruze và Focus. Nếu Cruze là do Cheverolet rút khỏi thị trường Đông Nam Á, thì Focus là chính sách loại bỏ dần sedan của Ford trong dải sản phẩm. Trước khi dừng bán, hai mẫu xe Mỹ đều có doanh số không tốt.
Vì xe Mỹ không tồn tại được lâu, sedan cỡ C trở thành cuộc đấu của hai thế lực châu Á, Nhật và Hàn. Những năm đầu khai sinh phân khúc, xe Nhật chiếm ưu thế, nhưng hiện nay, “mảnh đất” này đang dành cho xe Hàn.
Suốt một quãng thời gian dài từ khi ra mắt đến 2013, Corolla Altis làm chủ phân khúc với doanh số bình quân của mẫu xe này đạt 4.000 đến hơn 6.000 xe/năm. Cũng trong giai đoạn này các xe ở vị trí thứ hai từ 2004-2009 là Lacetti với bình quân 2.000-3.000 xe/năm. Civic và Forte đều ở ngưỡng 1.500-2.500 xe/năm, trong khi đó Elantra và Focus ở nhóm dưới với hơn 1.000 xe/năm.
Từ sau năm 2015, Mazda3 với kiểu dáng và nhiều trang bị đã dành được ưu thế trong cuộc đua doanh số, 2015 doanh số Mazda3 ngang ngửa Corolla Altis với khoảng 6.000 xe/năm bán ra. Trong năm 2016, Mazda3 vượt qua Corolla Altis với doanh số bình quân 2016-2019 trên 10.000 xe/năm.
Sang đến 2020, xe Hàn lên ngồi với cái tên Cerato. Mẫu xe này vượt qua chính Mazda3 (cùng do Thaco phân phối) để trở thành cái tên bán chạy nhất phân khúc với hơn 12.000 xe. Do Mazda3 có giá bán cao, khiến xe khó tiếp cận khách hàng hơn. Hiện tại, Civic, Elantra, Corolla Altis hay Mazda3 đều có doanh số thấp hơn khá nhiều so với Cerato, mẫu xe Hàn Quốc bỏ khá xa các đối thủ còn lại, bởi trang bị dồi dào, giá bán hợp lý và ngoại hình trẻ trung. Cục diện phân khúc xe hạng C có nhiều biến động qua từng giai đoạn, nhưng doanh số cả phân khúc đang giảm dần bởi sức ảnh hưởng của các mẫu crossover, từ cỡ nhỏ như hạng B tới cỡ vừa hạng C.
- 3 cách thoát nạn khi xe ô tô bất ngờ bị rơi xuống nước
- Cách lái xe diesel tiết kiệm trong bối cảnh giá dầu tăng cao
- Phá hoại ô tô chắn trước cửa nhà có bị đi tù không?
- Ý nghĩa của vạch kẻ trắng liền sát vỉa hè là gì?
- 5 điều bắt buộc phải biết để lựa chọn được lốp xe cho ô tô an toàn và hiệu quả